Mối Quan Hệ Giữa Các Chức Năng Của Tiền Tệ

  -  
*

Trang chủ Nghiên cứu Nghiên cứu KH & GD

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG

PGS. TS. LÊ VĂN TỀ

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An

NHẬN THỨC VÀ XỬ LÝ ĐÚNG ĐẮN CÁC MỐI QUAN HỆ KINH TẾ TIỀN TỆ Ở NƯỚC TA

*
PGS. TS. Lê Văn Tề

Tiền tệ từ lâu được các nhà kinh tế quan niệm và thừa nhận như là một “sản phẩm” kỳ diệu trong số những phát minh kỳ diệu của nhân loại, và việc chuyển đổi từ nền kinh tế trao đổi sang nền kinh tế tiền tệ lại là một hệ quả hợp logic, bắt nguồn từ sự ra đời của tiền.

Bạn đang xem: Mối quan hệ giữa các chức năng của tiền tệ

Mặc dù tiền tệ đã xuất hiện rất sớm nhưng trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử, tồn tại nhiều nhận thức khác nhau về vai trò của tiền. Phải chờ đến cuối thế kỷ thứ 19 - đầu thế kỷ 20, sau cuộc tổng khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 với sức tàn phá ghê gớm của nó, đã lần lượt xuất hiện các nhà kinh tế có tầm cỡ đòi xét lại các quan điểm khác nhau trước đó về vai trò của tiền. Theo J.M. Keynes trong tác phẩm “Tiền tệ - nhân dụng và lãi suất”, xuất bản năm 1936, cho rằng tiền có hai vai trò: Trước hết tiền là công cụ để nhà nước có thể can thiệp vào các hoạt động kinh tế, quản lý các hoạt động đó theo một chính sách nhất định và hai là, tiền thể hiện vai trò tổng hợp thông tin trên các thị trường. Tiền và thị trường như là 2 mặt của một thực thể, trong đó tiền giữ vai trò là công cụ điều chỉnh và chi phối thị trường, còn thị trường là tấm gương phản ánh sự thích ứng của khối lượng tiền thông qua mức giá chung.

Samuelson thì cho rằng, khác với nền kinh tế trao đổi, nền kinh tế tiền tệ, mà đặc trưng cơ bản của nó là sử dụng tiền như là một công cụ quan trọng, quy định và chi phối toàn bộ các hành vi kinh tế, điều khiển tất cả các hoạt động kinh tế, thực hiện các mối quan hệ kinh tế trên các thị trường. Frederic S. Mishkin cho rằng, tiền được gắn với các biến số kinh tế. Những biến số đó tác động đến tất cả chúng ta và chúng ta coi đó là quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế.

Bằng những trích dẫn nói trên cho thấy tầm quan trọng đặc biệt khi xem xét vai trò của tiền và việc lưu thông tiền tệ một cách trôi chảy và ổn định có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với nền kinh tế, nó được ví như mạch máu của nền kinh tế và do vậy, bất kỳ sự tắt nghẽn nào của lưu thông tiền tệ đều có thể tác động xấu tức thời hay lâu dài đối với nền kinh tế.

Đặt vấn đề như trên, đòi hỏi phải có nhận thức và xử lý đúng đắn các mối quan hệ kinh tế tiền tệ ở nước ta, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện đại của một thế giới với nhiều phân tầng khác nhau, ở nhiều trình độ phát triển khác nhau giữa các nước.

Như ta đã biết, nền kinh tế hiện đại là nền kinh mà đặc trưng chủ yếu của nó, trước hết là có sự phân công lao động xã hội và hợp tác kinh tế diễn ra một cách hết sức sâu sắc. Trong điều kiện đó, bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới đều liên kết ở mức độ này hay mức độ khác với phần còn lại của thế giới, và hai là có sự chuyển dịch các nguồn tiền tệ giữa các nước khác nhau, diễn ra một cách thường xuyên và không giới hạn về số lượng, làm tiền đề cơ bản cho các giao dịch kinh tế và phi kinh tế.

I. NHẬN THỨC VỀ NỀN KINH TẾ TIỀN TỆ VÀ VAI TRÒ CỦA VÀNG

Khác với nền kinh tế trao đổi, nền kinh tế tiền tệ thực chất là nền kinh tế trong đó phần lớn các giao dịch diễn ra nhất nhất đều được sử dụng tiền để làm vật trung gian trao đổi và định giá sản phẩm. Cùng với sự phát triển ngày càng đầy đủ hơn các chức năng của tiền, nền kinh tế tiền tệ cũng đồng nghĩa với nền kinh tế thị trường hiện đại. Ở các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử, ứng với các hình thái tiền tệ khác nhau, người ta sử dụng các chế độ bản vị tiền tệ khác nhau, mở đầu bằng chế độ bản vị bạc và đến chế độ bản vị vàng, kế đến là chế độ song bản vị và cuối cùng là chế độ bản vị tiền vàng. Chế độ bản vị tiền vàng là chế độ tiền tệ khá ổn định của CNTB. Tuy nhiên, khi chế độ bản vị tiền vàng sụp đỗ và các nước trên thế giới bắt đầu sử dụng tiền giấy bất khả hoán thì lạm phát luôn là một khả năng tiềm ẩn. Alan Greenspan, giám đốc Quỹ dự trữ liên bang Mỹ trước đây, khi đề cập đến lạm phát tiền tệ đã chỉ ra rằng: “Trong tình huống không có bản vị vàng, sẽ không có bất cứ biện pháp nào để bảo hộ sự tích lũy của dân chúng khỏi sự thống soái của lạm phát, và điều này cũng có nghĩa là tài sản của dân chúng sẽ không có được nơi cất giữ an toàn. Nói một cách đơn giản, bội chi của ngân sách là âm mưu tướt đoạt tài sản, và vàng đã chặn đứng quá trình nguy hiểm này và đóng vai trò bảo hộ tài sản của dân chúng”.

Như chúng ta đã biết, cùng với sự sụp đỗ của chế độ bản vị vàng, và sử dụng tiền giấy, các đồng tiền chủ yếu trên thế giới lần lượt mất giá trong suốt 35 năm (1971 – 2006) so với giá vàng: đồng Lia Ý đã giảm xuống 98,2% (kể từ năm 1999 về sau quy ra đồng Euro), đồng bảng Anh đã giảm 95,7%, đồng FrF (France Pháp) đã giảm 95,2% (kể từ năm 1999), đồng đô la Canada đã giảm 95,1%, đồng USD giảm 94,4%, đồng DEM giảm 89,7% (kể từ năm 1999 về sau quy ra đồng Euro), đồng JPY giảm 83,3%.

Việc hệ thống kim bản vị của USD cuối cùng bị sụp đỗ vẫn là một thực tế phải xảy ra. Khi mà dân chúng không đặt niềm tin vào đồng đô la Mỹ nữa thì thế giới sẽ dựa vào đồng tiền nào khác?

Trong số các đồng tiền “mạnh” không có đồng tiền nào mạnh hơn đồng France Thụy Sĩ (CHF). Nguyên nhân chủ yếu của nó và tạo cho thế giới tin vào đồng CHF là do nó được đảm bảo 100% bằng vàng và có giá trị ngang với vàng.

Đã trải qua hàng ngàn năm nhân loại đã khẳng định tính ưu việt của vàng và bạc. Vàng, bạc được coi là vật đảm bảo đáng tin cậy cho giá trị của tiền tệ và như vậy, chế độ tiền tệ lấy vàng làm cơ sở, chính là cách tốt nhất để đảm bảo giá trị của tiền tệ mà nhiều nước đang theo đuổi, tiêu biểu là Trung Quốc trong những năm gần đây. Cần nhớ rằng, tổng khối lượng vàng mà thế giới khai thác được suốt 6.000 năm qua chỉ có 140.000 tấn và tổng lượng vàng trên sổ sách của các ngân hàng Âu - Mỹ là 20.000 tấn, do vậy tính ổn định của tiền tệ khi lấy vàng làm vật bảo đảm, tùy thuộc vào khối lượng vàng mà quốc gia đó đang sở hữu.

Ở Trung Quốc, cùng với việc dự trữ vàng họ có thể tiến hành cải cách tiền tệ, từng bước đưa vàng và bạc tham gia vào hệ thống tiền tệ để dần chuyển hóa đồng nhân dân tệ theo chế độ bản vị vàng và bạc, và nếu được như vậy, đồng nhân dân tệ có thể trở thành một đồng tiền chuyển đổi trong giao dịch quốc tế.

Trước xu thế đồng đô la Mỹ trượt giá dài hạn, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị là cần thiết phải tích trữ vàng. Người ta cho rằng, so với tích trữ ngoại tệ thì tích trữ vàng vẫn tốt hơn. Xét về dài hạn, mọi loại ngoại tệ (tiền giấy bất khả hoán) đều có xu hướng mất giá so với vàng, và sự khác nhau chủ yếu giữa các loại ngoại tệ nói trên là với tốc độ nhanh hay chậm mà thôi. Song HongBinh (Trung Quốc) trong tác phẩm chiến tranh tiền tệ cho rằng: “Nếu muốn đảm bảo sức mua cho khối tài sản khổng lồ mà Trung Quốc đã tạo ra được thì cách duy nhất là chuyển đổi dự trữ ngoại tệ sang dự trữ vàng, bạc. Dao động giá vàng và bạc quốc tế thực ra cũng chỉ là giả tạo mà thôi. Nếu nhìn sâu vào sự dao động này thì còn sợ gì cơn sóng của thị trường hối đoái, vì một khi có hàng vạn tấn vàng, Trung Quốc nghiễm nhiên đã có được đôi đũa thần để dẹp yên mọi biến động”. Và ông ta cũng cho rằng, về căn bản việc tích trữ vàng trong dân bảo vệ được sự an toàn tài sản của nhân dân, cho dù lạm phát bắt nguồn từ nguyên nhân của tiền tệ hay bắt nguồn từ nguyên nhân của hàng hóa cũng đều không ảnh hưởng đến sức mua của nó. Đây là nền tảng của tự do kinh tế không thể thiếu trong việc xây dựng một xã hội hài hòa và bình đẳng: Người dân đã lao động tạo ra của cải, họ có quyền quyết định và chọn lựa phương thức tích trữ của cải cho riêng mình.

Rõ ràng vàng có tính thanh khoản cao nhất so với mọi loại tài sản. Suốt từ 5.000 năm lịch sử của nhân loại, vàng không chỉ là hình thức biểu hiện của cải cuối cùng mà bất kỳ thời đại nào, dân tộc nào, khu vực nào, thể chế chính trị nào trong bất kỳ nền văn minh nào, vàng cũng đã và đang được chấp nhận. Nó chính là thước đo đáng tin cậy nhất về giá trị của mọi loại hàng hóa, không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai. Lịch sử loài người đã trải qua 4 lần thử tìm cách tướt bỏ vai trò của vàng để tìm ra một chế độ tiền tệ thông minh hơn, nhưng rốt cuộc, mọi thử nghiệm đó đều thất bại. Tác giả Song HongBinh cho rằng, loài người với bản chất tham lam cố hữu sẽ không thành công trong việc dùng ý thức chủ quan mình để làm chuẩn mực cho các hoạt động kinh tế. Và cho rằng, tích trữ vàng trong dân là để chờ khi thiên hạ có biến động, đồng nhân dân tệ có vàng đảm bảo sẽ bảo vệ được giá trị, và hiên ngang sánh vai với các đồng tiền khác trên thế giới.

Thời gian qua trước hiện tượng “nhảy, múa” của giá vàng trên thị trường trong nước và thế giới, đã xuất hiện quan điểm là quản lý chặt chẽ các giao dịch về vàng trong dân chúng, theo hướng dân chúng chỉ được phép bán vàng và không được phép mua vàng và chỉ bán vàng cho các tổ chức do nhà nước chỉ định. Quan điểm cực đoan này, ít nhất đã gây hoang mang trong dân chúng và do vậy, sau đó đã được đính chính lại bới các nhà chức trách có thẩm quyền về tiền tệ, nhưng dù sao nó cũng đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rộng rãi, gây bất lợi trong xử lý chính sách về sau.

Mặc dù là không được đưa vào trong thực tế, nhưng cũng đặt nghi vấn về sự nhận thức và xử lý một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt này của một số người có vai trò trong hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia. Một thị trường mà chỉ được bán mà không được mua thì đó còn gọi là thị trường không? Và nguyên nhân nào dẫn chúng ta có ý định hình thành một thị trường đến mức “quái đản” như vậy?

Nếu đi tìm nguyên nhân, ta có thể tìm ngay trong tư duy quản lý, trước hết, đó là cái gì mà không thể quản lý được thì cách tốt nhất là cấm và từ đó, tùy tiện đưa ra những biện pháp hết sức cực đoan, trái với bản chất của nền kinh tế thị trường và chưa từng xuất hiện trong các thị trường và hai là, coi vàng không phải là một thứ tài sản chính đáng trong dân chúng cần được bảo vệ mà là một loại tài sản cần phải quản lý.

II. XỬ LÝ ĐÚNG ĐẮN CÁC MỐI QUAN HỆ KINH TẾ TIỀN TỆ Ở NƯỚC TA

Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế trong mấy chục năm qua, đất nước ta đã thay màu đổi dạng, mức sống của người dân được nâng lên và chính họ là những người trực tiếp thụ hưởng những thành quả của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.

Tuy nhiên, cùng với các cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế ở nước ta, biểu hiện rõ nhất ở tốc độ tăng trưởng và mức lạm phát cao. Thực trạng kinh tế đó đã trở thành nỗi băn khoăn của các nhà chức trách và trong dân chúng.

Mặc dù đã đưa ra được những giải pháp quan trọng hướng theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, những hiện vẫn còn những khác biệt trong nhận thức và cả trong chỉ đạo thực tiễn, xung quanh việc xử lý các mối quan hệ kinh tế tiền tệ. Nổi bật là các vấn đề cụ thể sau đây:

1.Vàng có được coi là phương tiện thanh toán

Như đã đề cập ở phần trước về vai trò của vàng, không chỉ trong nền kinh tế cổ đại mà còn trong nền kinh tế hiện đại, vàng với đầy đủ các chức năng của tiền, với tư cách là tiền đủ giá (hoặc tiền thực).

Từ khi chế độ kim bản vị vàng bị sụp đỗ hoàn toàn, tính từ năm 1971 đến nay, phần lớn các nước chuyển sang chế độ tiền giấy bất khả hoán, tức tín tệ (Fiat money or token money). Việc tồn tại và lưu thông tiền giấy bất khả hoán bắt nguồn từ 2 lý do cơ bản sau đây:

+ Tiền giấy là tiền pháp định được nhà nước quy định bằng luật pháp, mang tính cưỡng chế trong phát hành và lưu thông.

Xem thêm: Cá Nàng Hai Và Cá Thác Lác Khác Nhau ? Đặc Điểm Và Kỹ Thuật Nuôi Cá Nàng Hai

+ Việc sử dụng tiền giấy bắt nguồn từ việc dân chúng tín nhiệm vào giá trị của đồng tiền. Và việc tin vào giá trị của tiền giấy hay không tùy thuộc vào đồng tiền đó có ổn định hay không. Mỗi khi tiền giấy rơi vào tình trạng lạm phát, đặc biệt là lạm phát trên 2 con số, thì dân chúng không còn tin vào giá trị đồng tiền đó nữa. Trong tình hình ấy, vàng được coi là đồng tiền chuẩn để đo lường sự mất giá của nội tệ. Đồng nội tệ càng mất giá bao nhiêu nó có tác động nâng giá của hàng hóa thông thường lên cao bấy nhiêu. Trong bối cảnh đó, người ta bán hàng hóa thông thường trên cơ sở quy đổi giá vàng mà không căn cứ vào nội tệ nữa(1).

Như đã biết, trước đây người ta cho rằng tiền có năm chức năng: Chức năng thước đo giá trị, chức năng làm phương tiện lưu thông, chức năng thanh toán, chức năng dự trữ và chức năng làm tiền tệ quốc tế. Ngày nay, các nhà kinh tế gộp lại các chức năng nói trên thành ba chức năng, đó là: Chức năng làm vật trung gian trao đổi, chức năng làm thước đo giá trị, chức năng tồn trữ giá trị hay tồn trữ sức mua. Các nhà kinh tế cũng đã khẳng định rằng, các chức năng của tiền tệ thực hiện tốt đến đâu, tùy thuộc vào đồng tiền đó có ổn định hay không ổn định.

Khi mà lạm phát xảy ra và làm cho tiền tệ mất giá liên tục thì dân chúng dần dần xa lánh việc sử dụng tiền giấy và tìm đến các thị trường khác, đặc biệt là thị trường giao dịch các loại hàng hóa hữu hình như thị trường bất động sản, thị trường vàng, thị trường ngoại tệ, v.v…Hiện tượng đó được các nhà kinh tế gọi là hiện tượng “củ khoai tây nóng” tức người ta nhanh chóng đẩy tiền mất giá ra khỏi tay và chỉ mong sở hữu một thứ tài sản nào đó không hoặc ít mất giá nhanh chóng qua thời gian, dễ thấy nhất là họ tìm đến một tài sản có khả năng tồn trữ giá trị tốt nhất, đó là vàng, và dùng vàng với tư cách là tiền đủ giá để thực hiện các chức năng cơ bản của tiền. Với việc thực hiện đầy đủ các chức năng của tiền, vàng trở thành phương tiện cất giữ, thước đo giá trị và làm phương tiện thanh toán tốt nhất mà không có một loại tiền giấy nào, kể cả ngoại tệ mạnh, so sánh được.

Với tất cả những gì đã đề cập ở trên cho thấy, việc xuất hiện đâu đó,trong các diễn đàn chính thức hay không chính thức, cho rằng vàng không phải là phương tiện thanh toán, rõ ràng là không phù hợp với thực tế. Thông thường bất kỳ một nhận thức và hành động nào trái với bản chất thực của hiện tượng kinh tế đều khó lòng mà đứng vững. Nếu chúng ta không coi vàng là phương tiện thanh toán và đi xa hơn là đi đến chỗ cấm đoán việc sử dụng vàng như là phương tiện thanh toán thì việc cấm đoán đó có thể thực hiện được hay không? Nếu để hợp pháp trong giao dịch, người ta ghi phương tiện thanh toán bằng tiền nhưng họ thực hiện thanh toán với nhau bằng vàng, thì liệu chúng ta có kiểm soát được tận hang cùng ngõ hẻm khi diễn ra các giao dịch bằng vàng đó hay không?

Cần nhớ là, nếu chúng ta được coi hay mệnh danh là nhà kinh tế, thì mọi người dân được coi là những “nhà kinh tế”, ở mức độ cao thấp khác nhau mà thôi và do vậy, họ có quyền tính toán để bảo vệ lợi ích của họ bằng biện pháp này hay biện pháp khác và coi đó là quyền bảo vệ hợp pháp, chính đáng, bất khả xâm phạm của họ, và do vậy nếu điều cấm đoán đó diễn ra thì nó không thể tồn tại vì nó không hợp với lẽ phải, đặt biệt là trong một xã hội dân chủ như nước ta. Một giải pháp tốt nhất và hợp với lòng dân là nhà nước hãy tìm các biện pháp khác nhau để giữ cho tiền tệ ổn định. Và khi tiền tệ ổn định, có khả năng thực hiện tất cả chức năng của nó, trong đó có chức năng thước đo giá trị, thì mặc nhiên dân chúng quay về sử dụng tiền giấy để thực hiện các chức năng của nó, chứ không còn muốn sử dụng vàng với tư cách là phương tiện thanh toán nữa.

2. Việc cấm các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi bằng vàng và cho vay bằng vàng liệu được coi là giải pháp đúng đắn trong nền kinh tế tiền tệ hiện đại?

Trong số các giải pháp liên quan đến việc ổn định tiền tệ ở nước ta gần đây có giải pháp cấm các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi bằng vàng của thân chủ và cho vay bằng vàng. Chúng ta có thể bình luận gì về sự cấm đoán này, khi mà việc nhận tiền gửi bằng vàng và kinh doanh vàng là biện pháp thông thương được các nước sử dụng.

Ai cũng nhận thấy rằng, việc các thân chủ gửi vàng vào các ngân hàng, không phải họ hướng tới mục tiêu lợi tức vì lợi tức trong gửi vàng là rất thấp, mà chủ yếu là bảo vệ tài sản của chính họ. Cần nhận thức một cách đúng đắn, tài sản của một quốc gia, xét về phương diện tài sản bằng vàng, không chỉ là khối lượng vàng thuộc sở hữu nhà nước mà cả số vàng do dân chúng nắm giữ nữa. Đó là sức mạnh vật chất lớn lao có được do kết quả lao động của chính họ, mà luật pháp của bất kỳ một quốc gia nào theo thể chế dân chủ đều tìm cách bảo vệ lợi ích chính đáng của họ, theo ý nghĩa dân có giàu thì nước mới mạnh. Trách nhiệm của chúng ta chính là tìm mọi biện pháp khác nhau để bảo vệ và làm tăng trưởng khối lượng tài sản đó trong dân chúng, chứ không thể coi đó là khối lượng tài sản cần được quản lý, dù cho là nhân danh góp phần ổn định nền tiền tệ.

Việc cấm đoán các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi bằng vàng, nếu được thực hiện một cách có hiệu quả chăng nữa thì ta có thể cấm các ngân hàng thương mại giữ vàng của thân chủ, với chức năng là bảo quản an toàn vật có giá – vốn là một nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng thương mại hay không? Và khi thực hiện chức năng này, ngân hàng có quyền tìm kiếm lợi ích trong việc nhận bảo quản vàng của thân chủ trong ngân hàng mình hay không? Trong “chiến tranh tiền tệ” (currency wars) đã mô tả rằng: Một tính chất đặc trưng của hệ thống dự trữ vàng cục bộ chính là giới hạn của hai loại sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Các nhà ngân hàng đã tiến hành “tiêu chuẩn hóa” trong việc thiết kế tín phiếu ngân hàng (trước đây là chứng thư giữ vàng cấp cho thân chủ - LVT) khiến cho rất khó phân biệt được sự khác biệt về bản chất của hai loại chứng chỉ ngân hàng này. Vì vậy, hàng trăm năm nay, các ngân hàng Aglo Saxons đã bị liên đới trong nhiều vụ kiện tụng. Trong khi khách hàng phẩn nộ phản đối các nhà ngân hàng tự ý đem vàng, bạc của họ cho vay lấy lãi, thì các ngân hàng lại tuyên bố rằng, họ có quyền sử dụng số tiền của khách hàng mà không cần phải giải thích cho khách hàng biết mục đích sử dụng, miễn sao khi rút tiền (vàng) khách hàng khỏi phải than phiền gì. Một trong những vụ án nổi tiếng nhất chính là vụ “Folley kiện ngân hàng Hill” mà phán quyết của quan tòa được thể hiện như sau: Khi được gửi vào ngân hàng thì tiền (vàng) không còn thuộc về khách hàng nữa. Lúc này tiền đã thuộc về ngân hàng. Ngân hàng có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền cho khách hàng khi có yêu cầu. Và như vậy, ngân hàng có toàn quyền sử dụng số tiền đó mà không có nghĩa vụ phả trả lời cho khách hàng về việc số tiền này có nguy cơ gì hay không, có bị dùng vào việc đầu cơ gây hại hay không. Ngân hàng chỉ có nghĩa vụ bảo quản nguyên vẹn số tiền của khách hàng theo sự ràng buộc của hợp đồng.

Rõ ràng phán quyết này của quan tòa nước Anh được coi như là một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử tiền tệ.

Từ những trích dẫn ở trên cho ta rút ra bài học thực tiễn vô cùng quan trọng là phải sử dụng biện pháp nào đó vẫn có lợi cho nền kinh tế, vừa có lợi cho người dân được luật pháp thừa nhận. Và việc chăm lo cho lợi ích chính đáng của người dân phải chăng là mục tiêu quan trọng nhất mà Đảng ta đã, đang và phải cố gắng tiếp cận, thể hiện trong đời sống kinh tế bằng các chính sách và luật pháp.

Còn rất nhiều điều phải bàn xung quanh việc sử dụng đúng đắn các mối quan hệ kinh tế trong nền kinh tế tiền tệ ở nước ta. Tuy nhiên vì giới hạn của một bài báo, trong đó có những giải pháp kiểm soát lạm phát mà chúng ta đang sử dụng cần được xem xét lại dưới góc độ của một nền kinh tế tiền tệ, xin được đề cập trong một dịp khác.

Như đã đề cập, tiền tệ và sự ra đời của tiền tệ, và việc chuyển từ nền kinh tế trao đổi sang nền kinh tế tiền tệ là một phát kiến có ý nghĩa lịch sử của nhân loại. Mặc dù tiền tệ chính là “sản phẩm” do con người tạo ra, nhưng đến nay, không mấy ai có thể tự cho là mình đã hiểu biết một cách đầy đủ và sử dụng một cách thông thạo một công cụ có tầm đặc biệt này – bởi lẽ nó được ví như là máu trong cơ thể của nền kinh tế, len lỏi trong mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội, từ những người giàu có đến những kẻ ăn xin, từ tầm vi mô đến vĩ mô – mà sự huyền bí của nó đến nay không phải mọi người đã hiểu đúng và khám phá ra nó.

Chính vì vậy, khi bài báo này khép lại, đồng thời mở ra các hướng nghiên cứu mới –đối với những ai đã và từng quan tâm đến một vấn đề có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng này _ Vấn đề nhận thức và xử lý đúng đắn các mối quan hệ kinh tế trong nền kinh tế tiền tệ ở nước ta.

(1) Tiền và Ngân hàng – PGS. TS Lê Văn Tề - NXB Lao động xã hội, trang 357 .

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Samuelson – Kinh tế học.

2.Tiền tệ ngân hàng và thị trường tài chính – Mishkin.

3.Tiền tệ, nhân dụng và lãi suất – J.M. Keqnes – Tài liệu dịch tại Thư viện Ngân hàng quốc gia 17 Bến Chương Dương – Tp. HCM.

4.Chiến tranh tiền tệ - SongHongBinh – NXB Trẻ - 2008.

Xem thêm: Tuyển Tập Thơ Hồ Xuân Hương, Top 10 Bài Thơ Hay Nhất Của Hồ Xuân Hương

5.Ngân hàng thương mại – Edward W. Reed PhD và Gill PhD (bản dịch) – NXB Thống kê – 2004.