Giám Đốc Sáng Tạo Hà Đỗ

  -  

Chị Hà Đỗ đã từng thử sức ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng có lẽ mọi người vẫn biết đến chị nhiều nhất với cương vị là Giám đốc Sáng tạo của tạp chí Đẹp. Chị Hà Đỗ là một trong những Creative Director khó tính, tỉ mỉ nhất mà Châu từng làm việc cùng, nhưng cũng vì thế mà những sản phẩm sáng tạo của chị luôn thật thành công.

Bạn đang xem: Giám đốc sáng tạo hà đỗ

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang, chị Hà Đỗ đã từng làm việc nhiều với những bạn trẻ yêu thích công việc sáng tạo nói chung và ngành thời trang nói riêng. Châu hi vọng buổi phỏng vấn này cùng chị Hà Đỗ sẽ giúp ai đang tìm kiếm định hướng công việc có cái nhìn thực tế hơn về ngành này nhé!

*

Get to know chị Hà Đỗ!

Công việc đầu tiên của chị Hà sau khi tốt nghiệp là gì?

Sau khi tốt nghiệp trường Visual Arts tại New York, chị từng làm Junior Director cho một agency về quảng cáo.

Nếu chỉ có 5 phút để get ready, chị Hà sẽ ưu tiên gì trước?

​​Chị sẽ ưu tiên kem chống nắng và nước hoa. Hồi xưa nhà chị ngập tràn quần áo. Mỗi lần ra ngoài, chị mất đúng 1 tiếng để lựa đồ. Còn bây giờ chị thường mặc jean, áo blouse hoặc áo phông. Chị vẫn cảm thấy chăm sóc bản thân vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Quần áo là để người khác nhìn mình, còn kem chống nắng và nước hoa thì tự mình hưởng, nên chị ưu tiên cái gì mình tự hưởng, tự thích trước.

Chị đã đặt chân đến bao nhiêu nước trên thế giới rồi?

Chắc khoảng 20-30 nước. Chị còn Bắc Cực, Nam Cực và Châu Phi là chưa được tới.

Một địa điểm photoshoot thời trang chị muốn đến tiếp theo?

Mông Cổ, hoặc quay lại Lào. Sau mùa dịch chị sợ những nơi đông đúc lắm. Nên giờ chị chỉ muốn đến nơi thảo nguyên rộng lớn, ít người, nhiều động vật cây cỏ, thì mới có cảm hứng làm việc.

Có điều gì thay đổi gần đây trong cuộc sống của chị?

Sau đợt giãn cách này, chị phải học lại cách cư xử với loài người như thế nào, vì lâu quá rồi không nói chuyện với ai. Nhìn những show thời trang người ta ngồi gần nhau chị cũng sợ, nên chị phải học cách làm quen đấy.

Chị Hà Đỗ và con đường sự nghiệp trong ngành sáng tạo

Chị Hà luôn muốn trở thành Creative Director hay là có “duyên phận” gì trên con đường sự nghiệp của mình?

Thật ra thì chị cũng tương đối may mắn là mình học đúng ngành, và mình làm đúng công việc mà mình yêu thích. Công việc đầu tiên của chị sau khi ra trường là làm Junior Director cho một agency ở Mỹ. Nghĩ lại thì bao nhiêu năm nay bản chất công việc của chị không thay đổi: dù làm làm quảng cáo ở agency hay làm thời trang, nó vẫn gắn với ngành học của chị là truyền thông và thiết kế.

*

Đã là Creative Director của Đẹp được hơn 10 năm nay, chị tìm cảm hứng sáng tạo ở đâu? 

Khi bạn làm công việc trong ngành sáng tạo, hay trong tạp chí thời trang trong một thời gian dài, điều khó khăn nhất là giữ lửa để mỗi tháng, mỗi số báo lại có điều gì đó mới lạ cho bạn đọc. Điều này đòi hỏi coi công việc sáng tạo giống như lao động tay chân vậy. Như trong một cuốn sách chị đọc thì người ta nói, để thuần thục một kỹ năng nào đó, bạn sẽ cần 10,000 giờ tập luyện. Dù bạn là nghệ sĩ piano hay là nghệ sĩ, dù ngành nghề của bạn là nghệ thuật hay sáng tạo, thì bạn sẽ cần đầu tư thời gian để luôn luôn học tập, trau dồi cho công việc mình đang theo đuổi. Vì vậy với chị, cảm hứng sáng tạo đến từ việc mình lao vào làm, vào học hỏi, để tạo ra những sản phẩm mới mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng.

Điều gì về công việc này khiến chị kiên trì theo đuổi nó?

Cái thử thách mà cũng là cái thú vị trong công việc của chị là mình luôn được tiếp xúc với những cái mới, những con người, cộng sự tài năng, những talent, những bộ sưu tập mới… Vì thế mà chị có động lực để làm việc mỗi ngày, để luôn nhìn ngắm, xem xét, bồi bổ nhiều khía cạnh khác nhau trong công việc để tiếp tục làm đến tận bây giờ.

Một điều gì về nghề nghiệp của chị mà không nhiều người biết? Có giai đoạn nào trong sự nghiệp chị cảm thấy thực sự khó khăn chưa?

Ai cũng biết những cái hay, cái vui trong việc làm thời trang: bạn được đi dự fashion show, tiếp xúc với người nổi tiếng, được ăn ngon mặc đẹp, tiếp cận với những sản phẩm cao cấp nhất, tối tân nhất, bạn luôn là người đầu tiên trải nghiệm với xu hướng mới, sản phẩm mới.

Nhưng ít ai hỏi ngược lại chị là tại sao các nhãn hàng, các khách hàng liên tiếp đến với mình để mời mình trải nghiệm những điều đó. Vì bản thân chị đã phải làm việc để trải nghiệm, học hỏi, tìm hiểu về câu chuyện của thương hiệu, từ chiến dịch này sang chiến dịch khác. Khách hàng mục tiêu của họ là ai? Với cương vị là một đơn vị truyền thông thì mình phải làm thế nào để truyền tải được thông điệp của thương hiệu, của sản phẩm đến với khán giả? Làm thế nào để truyền cảm hứng cho họ?

*

Nghe thì cứ như chị nói xạo (cười), vì ảnh của chị Hà toàn thấy đi nào resort rồi sự kiện ra mắt sản phẩm, rồi đi dự fashion show, có thấy làm việc bao giờ đâu? Rồi nhiều bạn intern khi mới đi làm cũng nói em muốn được dự cái này, làm cái kia, nhưng các bạn không nhìn thấy cả một quá trình nỗ lực thì mới đạt được đến ngày hôm nay.

Xem thêm: Phương Pháp Lập Hồ Sơ Công Việc Là Gì ? Tài Liệu Là Gì? Các Bước Lập Hồ Sơ

Đó là quá trình tích lũy lâu dài để có đủ vốn sống, kiến thức và hiểu biết để đủ tầm đi nói chuyện với người nổi tiếng, với thương hiệu tại những sự kiện sang chảnh đó. Và sau khi xem những bộ sưu tập, những sản phẩm được giới thiệu, công việc của chị là nghĩ làm sao đưa được những điều đó vào bộ hình, vào bài báo, vào chiến dịch tiếp theo.

Vì vậy nên mới có hình ảnh chị Hà rất sang chảnh trên báo chí và một chị Hà đời thường on set đúng không?

Đúng đấy. Việc chuẩn bị những photoshoot thời trang hay chiến dịch lớn thật sự mệt mỏi. Thức khuya, dậy sớm, on set mười mấy tiếng đồng hồ là chuyện thường ngày. Nhiều bạn khi mới làm với chị đã rất ngạc nhiên là công việc thời trang không hề đơn giản và đẹp như trên báo.

Chị như con người có hai khuôn mặt, lúc lên TV, lên báo, dự event thì sang chảnh thật, nhưng cũng có một chị Hà lao công, chị Hà phục trang, chị Hà đi lại on set, việc gì cũng lao vào làm. Với chị thì dù đang ở vị trí nào, chị nghĩ mình cũng phải cống hiến, tận tâm, tập trung 100% cho công việc để đạt hiệu quả tốt nhất. Hai khuôn mặt này mới khắc hoạ đầy đủ bức tranh của vị trí Creative Director đáng mơ ước mà mọi người hay nghĩ tới.

*

Nói tới điện ảnh, gần đây chị có khá nhiều dự án điện ảnh quy mô lớn. Trải nghiệm của chị trong điện ảnh và trong thời trang có gì giống hay khác nhau?

Đúng là chị có lấn sân làm Production Design cho một số phim lớn, gần đây nhất là phim điện ảnh “Em và Trịnh.” Đây là một bộ phim điện ảnh lớn và tham vọng. Khối lượng công việc khi tham gia làm phim rất lớn, vì bạn phải làm việc với hàng trăm người một lúc, từ thiết kế, phục trang, sản xuất trong một thời gian dài.

Chị cảm thấy mình vẫn đang nghỉ ngơi sau thời gian làm việc với “Em và Trịnh,” vì đó là một trải nghiệm khá dài và vất vả. Nói chung chị quan niệm mỗi dự án đều là cơ hội để trải nghiệm và học hỏi, để mình làm quen thêm được nhiều bạn cộng sự mới, để có cơ hội làm thêm nhiều thứ hay hơn trong tương lai.

Vậy với các bạn trẻ làm việc cùng chị, chị thấy quan trọng nhất là phải có kỹ năng gì?

Thật ra chị nhận được rất nhiều CV của các bạn muốn theo chân chị Hà xem chị Hà làm gì để được đi fashion show và gặp người nổi tiếng. Nhưng những CV chị nhớ nhất là những CV các bạn nói sẵn sàng ở lại quét dọn sau khi chụp hình, quay phim, hoặc những bạn sẵn sàng ở lại cho đến khi kết thúc công việc, dù là công việc nhỏ đến đâu. Điều đó gây ấn tượng cho chị hơn là những bạn khoe mình học ở đâu, thành tích là gì. Có lẽ với chị thì những bạn trẻ khi bắt đầu làm trong ngành sáng tạo hay thời trang, quan trọng nhất là tình yêu và thái độ trong công việc.

*

Có bạn trẻ nào tạo cho chị ấn tượng đặc biệt không?

Có những bạn mới đầu cũng không biết làm thời trang là làm gì đâu, nhưng các bạn suốt ngày hỏi chị ơi em làm được gì, chị kêu em làm gì đi, các bạn chầu chực để nhận việc mà làm và rất vui vẻ hoàn thành. Chị thì hay đùa với các bạn mới vào, mà chị đùa nhưng mặt chị rất nghiêm trọng. Có lần chị kêu mọi người sáng mai họp team. Bạn stylist hỏi chị ơi vậy họp mấy giờ, vậy là chị nói 6h sáng họp nha. Team chị thì biết chị nói vui thôi, chứ phải 9-10 giờ mới họp. Vậy mà bạn stylist ấy đến đúng 5:50 sáng để chờ mọi người vào họp. Và sau khi biết là chị nói đùa thì bạn ấy cũng không hề trách móc gì, bạn ấy đơn giản là một người đúng hẹn.

Sau này làm việc chị cũng để ý là bạn ấy sẽ luôn đến sớm 10 phút với bất kỳ buổi hẹn nào. Lịch làm việc bạn luôn nhớ như in. Chị thấy mình thật may mắn vì tìm được một nhân viên như vậy, chị hoàn toàn yên tâm và tin tưởng bạn. Chị cũng tự nhận mình tương đối mát tay với các bạn trẻ. Những bạn làm cộng sự với mình từ sớm, có bạn còn chưa tốt nghiệp hoặc không tốt nghiệp luôn, giờ đây đều rất thành công trong lĩnh vực thời trang, stylist.

Điều tốt là hiện nay để làm thời trang thì các bạn có nhiều resource để khởi đầu thuận lợi rồi. Ngày xưa khi chị bắt đầu chuyển từ làm quảng cáo sang báo chí, mọi thứ còn rất mới mẻ. Từ việc chọn ê-kip, nhiếp ảnh gia, make-up, stylist đều phải tự học hết.

Xem thêm: Vinh Trong Ký Ức: Vinh Xưa, ĐạI Kỷ NguyêN ViệT Nam: Số Tết 2018

Cuối cùng, chị có lời khuyên gì dành cho các bạn muốn làm thời trang và sáng tạo ở Việt Nam?

Thời trang là phong cách cá nhân, các bạn đừng ngại ngùng khi thể hiện sự điên rồ, màu mè, thậm chí là sự quê kệch của mình khi bắt đầu làm trong ngành này. Nhưng cái quan trọng nhất là một sự tò mò, sự nhiệt huyết, và tình yêu với với công việc. Đừng bao giờ để mất sự tò mò, ngây thơ, ngốc nghếch khi mới vào nghề. Chị gặp những bạn trẻ mà chị thấy mình của ngày xưa trong đó. Và chị tự nghĩ mình vẫn may mắn vì giữ được sự ngây thơ, ngốc nghếch đó, đủ để mình muốn khám phá mọi thứ, tìm tòi, học thêm những cái mới.

*

Cảm ơn chị Hà Đỗ đã dành thời gian trò chuyện cùng Châu và chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Chúc chị ngày càng thành công trên sự nghiệp sáng tạo của mình!